Đằng sau hiện tượng tăng vốn của hàng loạt các Ngân hàng TMCP là gì?
(VnEcon.com)
Việc làm tất yếu
Tại các quốc gia phát triển, với hệ thống ngân hàng hoạt động an toàn và hiệu quả thì việc tăng vốn điều lệ sau một thời gian hoạt động là việc làm bình thường, thậm chí là việc làm mang tính tất yếu vì những áp lực như sau:
° Lạm phát: lạm phát làm tăng giá trị tài sản của ngân hàng nhưng đồng thời cũng làm tăng giá trị các khoản nợ, làm giảm giá trị vốn bằng tiền của ngân hàng và kết quả là giá
trị vốn tự có của ngân hàng có chiều hướng giảm sút.
° Do nhu cầu phải duy trì và gia tăng lòng tin của công chúng.
° Những biến động kinh tế dẫn đến khả năng làm xuất hiện thêm nhiều loại rủi ro, buộc ngân hàng phải tăng vốn tự có để tăng cường khả năng tự bảo vệ.
° Những giới hạn của luật pháp về cho vay, huy động vốn… buộc ngân hàng tăng vốn để có thể đáp ứng nhu cầu vay (ngày càng tăng) của các khách hàng lớn.
° Do hoạt động của ngân hàng ngày càng mở rộng, quy mô của ngân hàng ngày càng tăng, ngân hàng thực hiện thêm nhiều nghiệp vụ kinh doanh mới và mở thêm nhiều trụ sở,
chi nhánh mới.
° Do cơ quan quản lý buộc ngân hàng phải tăng vốn tự có để tăng sức cạnh tranh và tăng độ an toàn trong kinh doanh của hệ thống.
° Do áp lực của cạnh tranh trong hội nhập kinh tế quốc tế, các ngân hàng nước ngoài có quy mô vốn lớn đã và sẽ xâm nhập vào thị trường Việt Nam.
Đua nhau tăng vốn
Ở Việt Nam, theo cam kết WTO, kể từ ngày 1.4.2007, các ngân hàng và các tổ chức tài chính nước ngoài được phép mua cổ phần của các ngân hàng thương mại (NHTM) trong nước hoặc được phép thành lập ngân hàng con 100% vốn nước ngoài. Thực tế này dẫn đến khả năng cạnh tranh mạnh mẽ giữa một bên là các ngân hàng trong nước còn yếu về vốn, trình độ quản lý và cả về chất lượng sản phẩm - dịch vụ với một bên là các tập đoàn tài chính - ngân hàng hùng mạnh của thế giới.
Trong năm 2006 cho đến những tháng đầu năm 2007 đã xuất hiện sự kiện các ngân hàng đua nhau tăng vốn điều lệ, có thể kể ra như trong năm 2006 Ngân hàng Nhà Hà Nội (Habubank) nâng vốn điều lệ từ 300 tỷ đồng lên 1.000 tỷ đồng, Ngân hàng An Bình nâng vốn từ 200 tỷ đồng lên 1.000 tỷ đồng, Ngân hàng Kỹ thương (Techcombank) nâng vốn điều lệ từ 618 tỷ đồng lên 1.500 tỷ đồng...; trong năm 2007, Ngân hàng thương mại cổphần (NHTM CP) quân đội (MB) sẽ tăng vốn điều lệ lên mức 1.500 tỷ đồng, đại hội cổ đông của NHTM CP nông thôn Đại Á (Đại Á) đã nhất trí lộ trình tăng vốn điều lệ lên 1.000 tỷ đồng, EAB sẽ tăng vốn điều lệ từ 880 tỷ đồng lên 2.000 tỷ đồng, NHTM CPCác doanh nghiệp ngoài quốc doanh (VPBank) sẽ tăng vốn điều lệ từ 750 tỷ đồng lên 1.500 tỷ đồng, NHTM CP Phương Đông (OCB) sẽ tăng vốn điều lệ lên 1.200 tỷ đồng, Ngân hàng Nhà nước VN vừa cho phép NHTM CP Đông Nam Á (SeABank) tăng vốnđiều lệ lên 1.000 tỷ đồng…
Lý do tăng vốn được lãnh đạo của các NHTM CP lý giải là nhằm giải quyết bài toán nâng cao năng lực tài chính và chất lượng dịch vụ để tiếp cận theo các tiêu chuẩn quốc tế, buộc phải bổ sung thêm vốn, nhằm nâng cao tỷ lệ an toàn vốn tối thiểu theo tiêu chuẩn Basel; đồng thời thu hẹp khoảng cách về năng lực tài chính, công nghệ của các NHTM VN với NHTM trong khu vực; tăng vốn là để có đủ chi phí đầu tư cơ sở hạ tầng công nghệ phát triển mạng lưới tranh thủ chiếm lĩnh thị phần; Nghị định141/2006/NĐ-CP buộc các NHTM CP phải tăng vốn điều lệ theo lộ trình với bước 1 đến hết năm 2008 phải đạt 1000 tỷ đồng và bước 2 phải đạt 3.000 tỷ đồng đến hết năm 2010. Do vậy, việc tăng vốn điều lệ là một việc làm tất yếu, vì nếu quy mô vốn ít sẽ rất khó nâng cao năng lực cạnh tranh trên sân chơi tự do. Họ cho rằng vốn ít đồng nghĩa chấp nhận tụt hậu trong cuộc cạnh tranh quá khốc liệt hiện nay. Hơn nữa ít vốn thì không thể nào mở rộng kinh doanh, phát triển công nghệ, đa dạng hoá sản phẩm...
Bất lợi
Thế nhưng, thực chất của hiện tượng vốn điều lệ tăng và tăng quá nhanh của các NHTM CP đều có nguyên nhân “thầm kín” của nó, mà nếu đứng ở góc độ hiệu quả của toàn bộ nền kinh tế, ta sẽ thấy có nhiều vấn đề cần phải mổ xẻ. Việc tăng vốn của các NHTM CP ở VN xét về mặt xu hướng thì phù hợp với quy luật và sự biến đổi của môi trường kinh doanh, nhưng tăng vốn quá nhanh như vậy xét về mặt thời điểm thì có vẫn còn nhiều bất lợi như:
- Do tăng vốn quá nhanh, trong khi quy mô kinh doanh vẫn như cũ (hoặc có tăng chút ít) nên đã có một số NHTM CP gặp khó khăn trong việc tiêu hóa nguồn vốn tăng thêm, đã làm giảm hiệu quả sử dụng vốn của ngân hàng. Một bằng chứng hiển nhiên là tỷ lệ an toàn vốn tối thiểu của một số NHTM CP VN trong thời gian qua đã vượt xa mức tối thiểu là 8% (có ngân hàng do tăng vốn quá nhanh đã đạt tỷ lệ an toàn vốn tối thiểu đến 30%).
- Nhiều ngân hàng cứ tăng vốn mà không hoạch định được nhu cầu mức vốn tăng thêm là bao nhiêu cho phù hợp với quy mô hoạt động như nhu cầu nâng cao cơ sở vật chất kỹ thuật phục vụ hoạt động kinh doanh, mở rộng quy mô cho vay, phạm vi kinh doanh, địa bàn hoạt động.
- Tăng vốn nhưng không đảm bảo tính khả thi của hiệu quả kinh doanh trên cơ sở vốn điều lệ mới, điều này có thể ảnh hưởng đến tốc độ tăng trưởng và kết quả hoạt động của ngânhàng, thể hiện qua sự biến động theo chiều hướng bất lợi của các chỉ tiêu như lãi ròng trên vốn (ROE), lãi ròng trên tổng tài sản có (ROA), mức tăng trưởng tín dụng, mức tăng trưởng tài sản có, mức tăng tiền gửi…
- Tăng vốn nhưng khả năng quản trị, năng lực quản lý, giám sát của ngân hàng đối với quy mô vốn và quy mô hoạt động lại không tăng lên tương ứng: ngân hàng chưa có đủ trình độ, năng lực, số lượng nhân sự cần thiết để quản trị, điều hành và kiểm soát được quy mô hoạt động tăng lên (như mức tăng tổng tài sản có dự kiến, mà đặc biệt là mức tăng tổng dư nợ), đảm bảo các quy định về an toàn hoạt động.
Tại sao lại quá thuận lợi?
Một câu hỏi được đặt ra là tại sao việc tăng vốn của các NHTM CP trong thời gian qua lại quá thuận lợi như vậy? Điều này có thể lý giải qua các nguyên nhân chủ yếu sau:
- Nguyên nhân thứ nhất là do lợi nhuận đạt được của các NHTM CP trong thời gian qua quá cao, mức cổ tức chia cho các cổ đông gấp 2-3 lần lãi suất tiền gửi ngân hàng (mức bình quân cổ tức của năm 2006 mà các NHTM CP công bố chia cho các cổ đông là 15% đến 20%, có NHTMCP chia cổ tức đến trên 40%). Thực tế đó đã khiến tỷ số P/E của cổ phiếu ngân hàng cao vọt trong suốt gần 2 năm qua.
- Nguyên nhân thứ hai chính là cơ hội thị trường, mà cụ thể là sự tăng trưởng quá nóng của thị trường chứng khoán Việt Nam. Thị trường chứng khoán VN trong những năm gần đây,
nhất là thị trường phi tập trung - OTC, cổ phiếu ngân hàng thuộc loại “cổ phiếu vua” và tăng giá một cách “cực nóng”. Ngoài một số ít nhà đầu tư kỳ vọng vào lợi nhuận dài hạn của các ngân hàng, đa số còn lại là các nhà đầu cơ “ăn” chênh lệch giá, càng làm cho thị trường chứng khoán nóng hơn. Phát hành cổ phiếu để tăng vốn của các NHTM CP nhờ đó càng trở nên thuận lợi hơn.
- Nguyên nhân thứ ba là sức tăng trưởng nhanh, mạnh và ổn định của hệ thống NHTM Việt Nam, đặc biệt là các NHTM CP, trong các năm vừa qua cũng như xu hướng phát triểntrong tương lai, đã thu hút được vốn góp nhiều chủ thể đầu tư như của Ban tài chính quản trị của một số thành phố lớn, của các NHTM Nhà nước, của các doanh nghiệp nhà nước (Tổng công ty Hàng không Việt Nam, Công ty tài chính dầu khí, Tổng công ty điện lực Việt Nam, Tổng công ty hàng hải Việt Nam…), của các ngân hàng và tập đoàn tài chính nước ngoài... Tính đến cuối năm 2006, các cổ đông là nhà đầu tư nước ngoài đang sở hữu từ 10% đến 30% vốn điều lệ của các NHTMCP như ACB, Sacombank, Techcombank, OCB, Phương Nam, VPBank... Chưa kể hiện nay, một NHTMCP khác đang trong giai đoạn cuối đàm phán bán cổ phần cho nhà đầu tư nước ngoài.
- Nguyên nhân thứ tư phải kể đến là một loạt ngân hàng thương mại cổ phần nông thôn trong năm 2006 đã được Ngân hàng Nhà nước cho phép chuyển mô hình hoạt động từ NHTM CP nông thôn sang NHTM CP đô thị (như NHTM CP Kiên Long, Nhơn Ái, Mỹ Xuyên, Đồng Tháp Mười, Đại Á, Rạch Kiến...) và tiếp theo là quá trình “đổ bộ” trụ sở chính từ các tỉnh lên các thành phố lớn như TP. HCM và Hà Nội. Điều này làm cho các khách hàng có thêm nhiều cơ hội trong việc lựa chọn cho mình một nhà cung cấp dịch vụ ngân hàng phù hợp nhất.
Vì lo ngại sự gia tăng chất lượng hoạt động không theo kịp sự bành trướng bề rộng cũng như những bất lợi nêu trên sẽ xảy ra đối với hệ thống NHTM Việt Nam, Ngân hàng Nhànước đã cảnh báo và bắt đầu siết chặt việc tăng vốn điều lệ của hàng loạt các NHTM CP. Ngày 6.4.2007, Ngân hàng Nhà nước đã ban hành Quyết định số 3103/NHNN-CNH hướng dẫn việc tăng vốn điều lệ của tổ chức tín dụng trong năm 2007. Theo đó các ngân hàng muốn tăng vốn phải trình phương án cụ thể, nêu rõ nhu cầu sử dụng vốn; nhu cầu mở rộng cho vay; nhu cầu mở rộng phạm vi kinh doanh sang các lĩnh vực khác (như chứng khoán, cho thuê tài chính...); nhu cầu mở rộng địa bàn; hiệu quả kinh doanh trên cơ sở vốn điều lệ mới… Các ngân hàng phải công khai thông tin về lộ trình tăng vốn như tổng mức vốn dự định tăng thêm, các đợt dự kiến phát hành, phương án phát hành từng đợt, những đối tượng được mua, giá bán cho từng loại đối tượng, thời điểm bán, nghĩa vụ - quyền lợi đi kèm… Đồng thời với việc tăng vốn, các ngân hàng phải chứng minh được có đủ trình độ năng lực và nhân sự cần thiết để quản trị, điều hành, kiểm soát quy mô hoạt động tăng lên.
Dễ thấy rằng, quan điểm của Ngân hàng Nhà nước cho rằng tăng vốn điều lệ là cần thiết, nhưng sẽ là “lợi bất cập hại”, mà hại có thể nhiều hơn lợi, nếu tốc độ tăng quá nhanh. Mặc dù quyết định này vẫn còn nhiều bàn cãi, nhưng trước mắt có thể được xem là cần thiết để đảm bảo được sự an toàn cũng như chất lượng hoạt động của hệ thống NHTM VN trong giai đoạn thay da đổi thịt như hiện nay.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét